Nhiều trẻ khi sinh ra có thể gặp một số vấn đề về sức khỏe, nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng ngay sau sinh, khi có biểu hiện triệu chứng của bệnh thì bệnh đã có thể đã chuyển sang giai đoạn nghiêm trọng, khó điều trị và có nguy cơ để lại biến chứng ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe, thậm chí là đe dọa tính mạng của trẻ.
Nhiều bệnh lý có thể được phát hiện nhờ sàng lọc máu gót chân của trẻ ở thời điểm 2-3 ngày sau sinh. Do đó, để ngăn chặn những rủi ro và có thể phát hiện sớm các bệnh lý của bé, bố mẹ nên cho con thực hiện sàng lọc máu gót chân sau sinh tại cơ sở y tế
Xét nghiệm máu gót chân của trẻ sơ sinh có thể phát hiện sớm nhiều bệnh lý về rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa,… Từ đó, trẻ sẽ được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giảm thiểu tối đa những hệ lụy xấu cho sức khỏe của trẻ và giúp trẻ phát triển bình thường.
Lấy máu gót chân là gì?
Xét nghiệm lấy máu gót chân ở trẻ sơ sinh là một thủ thuật y khoa hiện đại được dùng để phát hiện và có phương pháp điều trị sớm các bệnh bẩm sinh về nội tiết, rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay từ những ngày đầu sau khi sinh.
Khi thực hiện phương pháp này, điều dưỡng/nữ hộ sinh sẽ dùng kim chích máu chuyên dụng chích vào gót chân để lấy 2-5 giọt máu (tùy số lượng bệnh cần sàng lọc của trẻ). Máu sẽ được thấm vào một loại giấy đặc biệt và chuyển mẫu đến trung tâm xét nghiệm. Sau khi đến trung tâm xét nghiệm, mẫu máu sẽ được cho vào một loại thuốc thử và được xử lý, đo trên máy chuyên dụng.
Các chuyên gia khuyến cáo mẹ nên cho bé thực hiện xét nghiệm lấy máu gót chân trong khoảng 48-72 giờ sau sinh. Điều này sẽ giúp bé sớm có kết quả và có các biện pháp bảo vệ sớm, giảm thiểu rủi ro cho bé. Trong trường hợp đặc biệt như trẻ sinh non, trẻ cần nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch hoặc cần truyền máu thì sàng lọc máu gót chân sẽ do chỉ định của bác sĩ sơ sinh.
Vì sao phải lấy máu ở gót chân mà không phải vị trí khác?
Tại sao lại lấy máu ở gót chân mà không lấy máu ở các vị trí khác? Liệu máu ở các vị trí khác trên cơ thể bé không cho kết quả chính xác khi làm xét nghiệm này? Đây là những câu hỏi bố mẹ thường đặt ra khi đề cập đến vấn đề “xét nghiệm lấy máu gót chân”. Thực tế, máu ở bất kỳ bộ phận, khu vực nào trên cơ thể bé đều có thể làm xét nghiệm. Tuy nhiên, gót chân của trẻ sơ sinh thường sẽ dồi dào hơn, đủ lượng máu cần thiết cho xét nghiệm. Hơn nữa, đây còn là bộ phận kém nhạy cảm hơn so với những bộ phận khác nến bé sẽ ít cảm thấy đau hơn khi bị chích lấy máu.
Lấy máu gót chân có nguy hiểm không?
Xét nghiệm lấy máu gót chân luôn được các nhân viên y tế có nhiều năm kinh nghiệm và chuyên môn cao thực hiện một cách cẩn thận nên hoàn toàn không gây nguy hiểm cho bé. Do đó, mẹ có thể an tâm hơn khi cho bé thực hiện xét nghiệm này.
Lấy máu gót chân ở trẻ sơ sinh có nên hay không?
Thông qua xét nghiệm lấy máu gót chân, bác sĩ có thể phát hiện sớm các bệnh lý bẩm sinh ngay cả khi bé chưa có biểu hiện bệnh như bệnh Phenylketonuria, rối loạn chuyển hóa đường Galactosemia, thiếu men G6PD,… Nếu trẻ có các nguy cơ hoặc mắc các bệnh lý này, bé có thể được điều trị sớm ngay trong thời kỳ sơ sinh. Điều này sẽ giúp bé có cơ hội phát triển bình thường, giảm nhẹ các chi phí và gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Hầu hết trẻ mắc các bệnh lý về nội tiết, chuyển hóa hay di truyền sẽ không có biểu hiện trong thời kỳ sơ sinh, hoặc có biểu hiện nhưng không rõ ràng, nên khó phát hiện và chẩn đoán chính xác qua các phương pháp kiểm tra thông thường. Khi được phát hiện thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn gây tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe của bé, và bé không còn khả năng hồi phục hoàn toàn, nhất là đối với hệ thần kinh trung ương, thể chất và trí tuệ của bé. Do đó, bố mẹ nên chó bé thực hiện xét nghiệm lấy máu gót chân theo khuyến nghị của bác sĩ, đặc biệt khi trong gia đình đã từng có người mắc các bệnh này.